Phẫu thuật cố định xương bằng đinh hoặc dây thép hiện rất phổ biến trong chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên, việc chăm sóc vết thương sau mổ là khá quan trọng, để tránh cho bệnh nhân gặp nhiều tai biến
Mục lục bài viết
Câu chuyện không của riêng ai
Là kỹ sư xây dựng, hằng ngày anh Minh thường phải có mặt ở công trường, để giám sát công trình và chất lượng thi công. Một lần, không may anh bị một miếng bê tông rớt trúng người, kịp tránh được nhưng một ngón tay bị gãy. Khi vào bệnh viện, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật để cố định xương. Sau phẫu thuật phải có chế độ chăm sóc nghiêm ngặt trong thời gian dài để xương chóng liền.
Tuy nhiên, do chủ quan nên anh Minh vẫn đi làm bằng xe máy và cầm nắm các vật nặng. Hơn nữa do vết thương nằm gần khớp ngón phải thường xuyên co duỗi nên một cọng thép đã bị lộ ra ngoài, buộc phải phẫu thuật lại. Kết quả là, sau khi kết thúc quá trình điều trị, ngón tay giữa của anh gần như bất động, cầm nắm các vật rất khó, bác sĩ cho biết anh cần phải tập vật lý trị liệu trong một thời gian dài.
Những tai biến
Bác sĩ Võ Quang Đình Nam – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, các tai biến sau phẫu thuật chỉnh hình thường gặp là kết hợp xương không đạt, như không vững chắc, không phục hồi được cấu trúc giải phẫu, nhiễm trùng xương, phần mềm.
Xem thêm: Các tổn thương thần kinh hay gặp trong gãy xương
Theo bác sĩ Nam, cố định xương nhỏ với đinh có thể tháo đinh sau 6 tuần đến 3 tháng; cố định xương lớn với đinh nội tủy hoặc nẹp vít có thể tháo dụng cụ sau 6 tháng đến 1 năm. Thời gian tránh vận động nặng sau mổ lấy nẹp vít là 1 – 3 tháng tùy theo đánh giá của phẫu thuật viên.
Phẫu thuật kết hợp xương
Khi bệnh nhân bị gãy xương, tùy thuộc vị trí gãy, mức độ di lệch, nhu cầu trở lại với sinh hoạt bình thường sớm hay muộn, bác sĩ sẽ chỉ định bó bột hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, có những loại gãy mà chỉ định phẫu thuật là tuyệt đối như gãy thân xương đùi ở người lớn, hoặc chỉ định bó bột chiếm đa số như gãy các xương bàn chân.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật như cố định xương bên trong với nẹp vít, đinh nội tủy hoặc cố định xương bên ngoài với khung kim loại. Hiện nay, y học đang ứng dụng công nghệ chỉnh hình mới với kim loại titanium, nẹp luồn dưới da, nẹp khóa.
Lưu ý dành cho bệnh nhân
Theo y văn, chỉ thép dùng cố định xương gãy là loại chỉ được chế tạo từ hợp kim đặc biệt có độ tương đồng sinh học rất cao đối với cơ thể và khá trơ về mặt hoạt động hóa học như môi trường phức tạp của mô tế bào sống. Trong phẫu thuật, bác sĩ thường dùng chỉ thép để buộc các mảnh và đoạn xương gãy lại với nhau.
Xem thêm: Nên ăn gì khi bị loãng xương
Tuy nhiên, do chỉ thép là một vật lạ đối với cơ thể nên nó chỉ đóng vai trò nâng đỡ để xương tự liền trong vòng 2 – 6 tháng. Sau đó, thép sẽ được tháo bỏ. Nếu bệnh nhân để quá lâu mà không đến bệnh viện kiểm tra, thép sẽ bị vùi trong tổ chức xương hoặc tạo chỗ cắt trên trục xương khiến xương rất dễ bị gãy.
Do đó, bệnh nhân cần đến bệnh viện để lấy chỉ thép sau khi dùng cố định xương trong vòng 2 – 3 tháng. Nếu vòng chỉ thép lỏng, viêm rò gây ảnh hưởng đến xương thì cần tháo ra sớm hơn, trong vòng 1 – 2 tháng. Tốt nhất là nên đến bác sĩ kiểm tra định kỳ để được chụp phim và tư vấn cụ thể.