Khi bạn bị viêm khớp gối, bị dị vật vùng khớp gối, đau khớp do thoái hóa giai đoạn sớm hoặc phải can thiệp những tổn thương gây đứt dây chằng chéo trước và sau, tổn thương sụn trên… thì phẫu thuật nội soi là phương pháp có thể can thiệp những triệu chứng này.
Tổng quan tổn thương khớp gối
Khớp gối được giữ vững nhờ hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau nằm bên trong khớp gối. Dây chằng chéo trước có tác dụng chính là giữ không cho mâm chày trượt ra trước và dây chằng chéo sau giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau. Dây chằng bên ngoài giúp gối không bị vẹo trong, dây chằng bên trong giúp cho gối không bị vẹo ra ngoài.
Kỹ thuật mổ nội soi khớp gối
Toàn bộ khớp gối được bao phủ bởi một lớp màng hoạt dịch có tác dụng tiết ra dịch khớp để bôi trơn quá trình vận động của khớp. Màng hoạt dịch còn có tác dụng chống viêm nhiễm. Một khi bị chấn thương hay do viêm nhiễm, bao hoạt dịch có thể bị dày lên, tiết nhiều dịch khớp làm khớp gối sưng lên. Bao hoạt dịch dày lên cũng làm cản trở thuốc ngấm vào khớp, làm giảm tác dụng điều trị.
Trước kia, dùng kỹ thuật mổ mở khiến đường mổ dài, quan sát tổn thương của kỹ thuật viên bị hạn chế nên đánh giá tổn thương khó khăn, vị trí đặt dây chằng không chính xác hoặc bị nhiễm khuẩn cao.
Với kỹ thuật nội soi khớp gối sẽ sử dụng ống nội soi, thông qua 1 máy quay nhỏ (camera) toàn bộ hình ảnh trong khớp gối sẽ được trình chiếu trên 1 màn hình ti vi với một độ phóng đại nhất định giúp phẫu thuật viên quan sát, phát hiện các tổn thương và xử trí tổn thương đó bằng một đường mổ kích thước nhỏ 0,5cm.
Vật liệu được thay thế dây chằng là gân bán gân và gân cơ thon chập đôi (lấy trên chính bệnh nhân) rồi khoan các đường hầm qua đầu trên xương chày và đầu dưới của xương đùi theo đúng vị trí dây chằng chéo trước và sau. Sau đó cố định dây chằng vào đường hầm đó bằng các vít hoặc thanh treo.
Thuận lợi của kỹ thuật
Thuận lợi của loại phẫu thuật này là ít đau hơn do đường mổ nhỏ, thời gian hồi phục sớm hơn, trong một số trường hợp chính xác hơn so với mổ hở. Sau mổ bệnh nhân tập vận động được sớm và chỉ từ 3 – 5 tuần bệnh nhân có thể đi lại được.
PGS.TS Trần Đình Chiến – Chủ nhiệm bộ môn Chấn Thương chỉnh hình, Bệnh viện 103