Phương pháp laser châm điều trị đau

Điều trị giảm đau bằng phương pháp laser châm là một trong những phương pháp điều trị mới. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị giảm đau của phương pháp laser châm này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu. Chỉ định và chống chỉ định của phương pháp laser châm là gì?

PHƯƠNG PHÁP LASER CHÂM

1.ĐẠI CƯƠNG

Một trong hai đóng góp to lớn cho khoa học kỹ thuật của ngành vật lý trong thế kỷ 20 là laser. Năm 1960, chiếc máy laser đầu tiên ra đời do nhà bác học Maiman (Mỹ) chế tạo, và từ đó thành tựu này được ứng dụng rộng rãi trong các chuyên ngành khác nhau trong đó có y học.

Hiện nay laser được ứng dụng rộng rãi trong các chuyên ngành khác nhau của y học bởi nó có các tính chất rất đặc biệt, đó là: tính đơn sắc, độ định hướng và độ chói phổ rất cao. Việc sử dụng ánh sáng đơn sắc phát ra từ một thiết bị laser công suất thấp (<=250 milliwatt) chiếu vào các huyệt trên hệ thống kinh lạc giúp cơ thể lập lại thăng bằng âm – dương nhằm mục đích điều trị và phòng bệnh được gọi là laser châm.

2. CHỈ ĐỊNH LASER CHÂM

Laser châm được chỉ định tương đối rộng rãi để điều trị các chứng bênh. Tuy nhiên, trên lâm sàng laser châm được chỉ định chủ yếu để điều trị các chứng đau và các chứng liệt. Laser châm có thể dùng đơn độc, có thể kết hợp laser châm với điện châm, laser châm với xoa bóp bấm huyệt.

Laser châm điều trị các chứng đau: đau vai gáy, đau quanh khớp vai, đau lưng, đau thần kinh toạ, hội chứng đường hầm cổ tay…

Laser châm điều trị các chứng liệt: liệt nửa người do các nguyên nhân khác nhau, liệt dây thần kinh VII ngoại biên…

Phương pháp laser châm điều trị đau

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không sử dụng laser châm trong các trường hợp sau:

– Những thay đổi bất thường của da không rõ nguyên nhân.

– Tiền ung thư, u ác tính.

– Người bệnh sau khi điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao kéo dài.

– Người bệnh động kinh.

– Người bệnh suy tim mất bù, loạn nhịp, suy mạch vành.

– Người bệnh cường giáp.

– Không chiếu laser vào vùng thóp, đầu các xương dài của trẻ vị thành niên, cạnh các tuyến nội tiết (tuyến giáp, tinh hoàn…)

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

4.2. Phương tiện

– Máy phát laser công suất thấp: thường sử dụng laser He – Ne, laserdiode hồng ngoại.

– Kính bảo hộ cho Người thực hiện và Người bệnh.

– Quy trình điều trị laser công suất thấp.

4.3. Người bệnh

– Người bệnh được khám và làm hồ sơ bệnh án theo qui định.

– Tư thế người bệnh nằm ngửa, nằm sấp hoặc ngồi.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

5.1.Phác đồ huyệt

Các huyệt được sử dụng trong điều trị bằng laser châm cũng tương tự như các huyệt trong phác đồ của châm cứu truyền thống. Tuy nhiên, số huyệt được chọn trong laser châm ít hơn, thường từ 4 đến 10 huyệt.

5.2.Thủ thuật

Xác định chính xác vùng huyệt, dùng kỹ thuật chiếu điểm (chiếu tia thẳng góc với huyệt), đầu phát tia cách mặt da 0,5cm. Giữ đầu phát tại chỗ cho đến khi hết thời gian điều trị, khi đó máy sẽ phát ra tín hiệu âm thanh và đầu chiếu tự động ngừng phát tia.

Chiếu lần lượt từng huyệt cho đến khi hết các huyệt theo phác đồ.

5.3. Liều điều trị

Liều điều trị phụ thuộc vào từng loại huyệt và tình trạng của bệnh (bệnh cấp tính dùng liều thấp, bệnh mạn tính dùng liều cao). Liều điều trị được tính bằng J/cm2.

Loại huyệt Liều
A thị huyệt 1 – 2 J/cm2
Huyệt giáp tích 2 – 4 J/cm2
Huyệt châm cứu ở người lớn 1 – 3 J/cm2
Huyệt châm cứu ở trẻ em 0,5 – 1,5 J/cm2

Thời gian điều trị tuỳ thuộc vào liều điều trị và số huyệt được lựa chọn.

Thông thưòng thời gian điều trị bằng laser châm từ 5 – 10 phút/lần.

5.4. Liệu trình điều trị

– Bệnh cấp tính: mỗi ngày điều trị 1 – 2 lần, mỗi liệu trình 5 – 10 ngày.

– Bệnh bán cấp và mạn tính: mỗi ngày điều trị 1 lần, mỗi liệt trình điều trị từ 2 – 4 tuần. Bệnh mạn tính có thể điều trị cách ngày.

6. Theo dõi và tai biến

6.1. Theo dõi: Toàn trạng người bệnh.

6.2. Xử trí tai biến

Người bệnh xuất hiện các nốt đỏ ở da, mẩn ngứa (do cơ địa quá mẫn cảm với ánh sáng), tắt máy laser, tạm dừng điều trị 1 – 3 ngày cho đến khi hết các nốt đỏ.

6.3. Chú ý khi điều trị bằng laser châm

– Không được chiếu thẳng góc tia laser vào mắt vì có thể làm tổn thương võng mạc.

– Da trên các vùng huyệt không được bôi dầu, mỡ hay các loại kem, gell vì sẽ làm tia laser bị phản xạ một phần và ảnh hưởng đến mức độ đâm xuyên của tia.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận