Phân biệt đau đầu Migraine và đau đầu căng thẳng

Để điều trị dự phòng đau đầu Migraine hiệu quả, ta cần phân biệt được với đau đầu khác, đặc biệt đau đầu căng thẳng. Kinh nghiệm lâm sàng và những sai lầm thường gặp trong điều trị đau đầu Migraine.

1. HỘI CHỨNG LÂM SÀNG

Đau đầu migraine là bệnh đau đầu chu kì một bên và có thể bắt đầu từ khi còn bé nhưng hầu hết thường phát triển trước tuổi 30. Các cơn đau xảy ra với tần số dao động khoảng từ vài ngày tới vài tháng một lần. Các cơn đau đầu khi xảy ra thường xuyên hơn thường kết hợp với một hiện tượng gọi là đau đầu hồi ứng (analgesic rebound).

Khoảng 60% đến 70% bệnh nhân mắc chứng đau đầu migraine là phụ nữ, và nhiều trong số đó có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Nhân cách của những người bị bệnh đau đầu migraine được thể hiện như tỉ mỉ, ngăn nắp, cưỡng ép và thường cứng nhắc. Họ thường có thiên hướng bị ám ảnh bởi các thói quen hằng ngày và thấy khó khăn trong việc giải quyết những căng thẳng đời thường.

Cơn đau đầu migraine có thể được khởi phát bởi những thay đổi trong chế độ ngủ hay ăn uống hoặc khi ăn phải thức ăn có chứa tyramin, bột ngọt, muối nitrat, sô cô la, hoặc hoa quả họ cam quýt. Những thay đổi trong hormone nội sinh và ngoại sinh như sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể gây kích thích cơn đau đầu migraine.

Xấp xỉ 20% bệnh nhân bị bệnh đau đầu migraine có triệu chứng báo trước, còn gọi là aura. Hiện tượng này hầu hết thường dưới dạng rối loạn thị giác, nhưng nó cũng có thể biểu hiện dưới sự thay đổi trong khứu giác hoặc thính giác ; chủng lần lượt được gọi là con aura khứu giác và thị giác.

2. DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG

Đau đầu Migraine theo định nghĩa là bệnh đau một bên đầu. Mặc dù mỗi lần xảy ra có thể đối bên đau nhưng nó không bao giờ diễn ra ở cùng lúc cả hai bên đầu. Cơn đau đầu migraine thường đau ở xung quanh hoặc sau ổ mắt. Đau kiểu nhịp đập với cường độ mạnh và dữ dội. Thời gian từ lúc khởi phát đến đỉnh điểm của cơn đau đầu migraine khá ngắn, khoảng 20 phút tới một tiếng.

Khác với nhức đầu do căng thẳng, đau đầu migraine thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân bao gồm buồn nôn hay ói mửa, chứng sợ ánh sáng hay âm thanh, cũng như thay đổi khẩu vị, tâm trạng hoặc ham muốn tình dục. Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ là một yếu tố khởi phát thường gặp gây ra hiện tượng đau đầu migraine.

2.1. Đau đầu migraine có aura

Như đã đề cập ở trên, xấp xỉ 20% bệnh nhân có triệu chứng báo trước là aura (được gọi là đau đầu migraine có aura). Hiện tượng này là kết quả của việc thiếu máu cục bộ ở những vùng riêng của Vỏ não. Aura thị giác thường xảy ra từ 30 đến 60 phút trước khi cơn đau nửa đầu khởi phát. Nó có dạng những điểm mù, được gọi là âm điểm, hoặc sự gián đoạn ngoằn ngoèo theo hình zigzag trong thị trường, hay các hình lâu đài.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị đau đầu migraine mất toàn bộ thị trường trong cơn aura. Aura thính giác thường dưới dạng nhạy cảm cực mạnh với âm thanh. Nhưng những sự thay đổi khác của thính giác như nghe tiếng có vẻ xa hơn thực tế cũng đã được ghi nhận. Aura khứu giác Có thể dưới dạng ngửi phải chất nặng mùi mà thực tế không có hoặc cực mẫn cảm với những mùi thông thường như mùi cà phê hay mực của máy in.

2.2. Đau đầu migraine không có aura

Chứng đau đầu migraine mà không có biểu hiện các triệu chứng thần kinh báo trước thì được gọi là đau đầu migraine không có aura.

2.3. Đau đầu migraine có aura kéo dài

Hiếm hơn, những bệnh nhân bị chứng đau đầu migraine có các rối loạn chức năng thần kinh kéo dài kết hợp với cơn đau đầu. Sự rối loạn chức năng thần kinh mà kéo dài hơn 24 giờ được định nghĩa là đau đầu migraine có aura kéo dài. Những bệnh nhân như vậy có nguy cơ phát triển các thiếu sót thần kinh vĩnh viễn, và những yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, hút thuốc lá và uống thuốc tránh thai phải được giải quyết.

2.4. Đau đầu migraine có aura phức tạp

Ít phổ biến hơn đau đầu migraine có aura kéo dài là đau đầu migraine có aura phức tạp. Bệnh nhân có chứng đau nửa đầu này trải qua những rối loạn chức năng thần kinh điển hình có thể bao gồm mất khả năng ngôn ngữ hoặc liệt nửa người. Cũng giống với chứng đau đầu migraine có aura kéo dài, bệnh nhân mắc chứng đau đầu migraine có aura phức tạp cũng có thể phát triển các thiếu sót thần kinh và viễn.

Những bệnh nhân mắc các dạng đau đầu migraine thường suy giảm sức khỏe có hệ thống (Xem bảng so sánh). Các biểu hiện lâm sàng thông thường là xanh xao, run rẩy, toát mồ hôi và nhạy cảm với ánh sáng. Sờ động mạch thái dương và vùng xung quanh có thể thấy đau.

Nếu aura xuất hiện thì kết quả kiểm tra thần kinh sẽ bất thường; trong khi kiểm tra thần kinh thường nằm trong giới hạn bình thường ở giai đoạn trước, trong và sau khi đau đầu migraine không có aura.

3. CẬN LÂM SÀNG

Không có xét nghiệm đặc hiệu nào cho chứng đau đầu migraine. Cận lâm sàng chủ yếu nhằm mục đích xác định các quá trình bệnh lý ẩn hoặc các bệnh khác có thể giống với chứng đau đầu migraine (xem “Chẩn đoán phân biệt“).

Tất cả bệnh nhân có cơn đau đầu được cho là đau đầu migraine nên chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ. Nếu những rối loạn thần kinh đi kèm với triệu chứng đau đầu của bệnh nhân thì MRI nên được thực hiện với có hoặc không tiêm thuốc cản quang; chụp cộng hưởng từ mạch não cũng được cân nhắc đến trong trường hợp này. MRI cũng nên thực hiện những bệnh nhân có chứng đau đầu migraine ổn định trước đó mà có các triệu chứng thay đổi không giải thích được.

Các xét nghiệm sàng lọc trong phòng thí nghiệm, bao gồm tốc độ lắng hồng cầu, tổng phân tích tế bào máu và sinh hóa máu tự động nên được thực hiện nếu chẩn đoán đau đầu migraine còn chưa rõ ràng.

Đánh giá thị giác được chỉ định ở những bệnh nhân có triệu chứng điển hình về mất.

4. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Việc chẩn đoán chứng đau đầu migraine thường được thực hiện trên cơ sở lâm sàng bằng cách nhằm vào tiền sử đau đầu của bệnh nhân. Đau đầu do căng thẳng thường bị nhầm lẫn với chứng đau đầu migraine, và sự chẩn đoán sai này có thể dẫn đến việc điều trị bất hợp lý và hai hội chứng đau đầu được vận hành theo cơ chế khá khác nhau.
Bảng so sánh phân biệt chứng đau đầu migraine với đau đầu do căng thẳng và giúp làm rõ chấn đoán.

Các bệnh về mắt, tai, mũi và các xoang cũng có thể giống với đau đầu migraine.
Hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, kết hợp với các cận lâm sàng phù hợp, cho phép các bác sĩ lâm sàng xác định và điều trị đúng cách bất kỳ bệnh lí tiềm ẩn nào của hệ thống các cơ quan. Các bệnh lí sau đây đều có thể giống đau đầu migraine và phải được xem xét khi điều trị bệnh nhân đau đầu:

  • bệnh tăng nhãn áp;
  • viêm động mạch thái dương,
  • viêm xoang
  • bệnh nội sọ, gồm tụ máu dưới màng cứng mãn tính, khối u, áp xe não, não úng thủy và giả u não;
  • tình trạng viêm, bao gồm cả bệnh sarcoidosis.
  Chứng đau đầu MigraineĐau đầu type căng thẳng
Khoảng thời gian từ lúc khởi phát tới đỉnh điểmHàng phút tới một giờHàng giờ tới hàng ngày
Tần suấtHiếm khi > 1 cơn/tuầnThường là hàng ngày hoặc liên tục
Vị tríThái dươngGáy hoặc quanh đầu
Đặc điểmĐau theo nhịp đậpĐau nhức, đau như bị ép chặt, đau như kiểu đội mũ chật
Bên đauLuôn đau 1 bênThường đau hai bên
AuraCó thể cóKhông có
Buồn nôn và ói mửaThường cóHiếm khi
Kéo dàiThường dưới 24 giờThường là ngày qua ngày
Bảng so sánh chứng đau đầu Migraine và đau đầu type căng thẳng

5. ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU MIGRAINE

Khi quyết định cách tốt nhất điều trị bệnh nhân bị đau đầu migraine, các bác sĩ nên xem xét tần suất và mức độ đau đầu, ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống của bệnh nhân, sự hiện diện của các rối loạn thần kinh kéo dài, kết quả xét nghiệm và điều trị trước đó, tiền sử lạm dụng thuốc hay sử dụng sai, và sự hiện diện của các bệnh hệ thống khác (ví dụ : bệnh về mạch máu ngoại biên hoặc động mạch vành) có thể ngăn cản việc sử dụng các phương thức điều trị nhất định.

Nếu cơn đau đầu của bệnh nhân xảy ra không thường xuyên thi thử nghiệm điều trị cắt cơn là chắc chắn. Tuy nhiên nếu cơn đau đầu xảy ra với tần suất nhiều hơn hoặc khiến bệnh nhân phải nghỉ việc hoặc nhập viện thì điều trị dự phòng được cho phép dùng.

5.1. Điều trị căt cơn

Để điều trị cắt cơn được hiệu quả phải bắt đầu điều trị ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu đau đầu đầu tiên. Điều này thường khó khăn bởi khoảng thời gian giữa lúc khởi phát và đỉnh điểm của cơn đau đầu khá ngắn, cùng với các vấn đề khác bệnh nhân thường đối mặt như buồn nôn và ói mửa có thể hạn chế việc sử dụng các thuốc uống. Tình trạng này có thể tránh được bằng cách thay đổi con đường đưa thuốc vào cơ thể như sử dụng tiêm truyền hay qua niêm mạc.

Những thuốc điều trị cắt cơn có thể sử dụng ở bệnh nhân đau đầu migraine là

  • những hợp chất chứa isometheptene mucate (ví dụ như Midrin),
  • thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) – thuốc naproxen,
  • nhóm thuốc ergot alkaloid,
  • các thuốc triptan gồm Sumatriptan,
  • và thuốc tiêm tĩnh mạch lidocain kết hợp với thuốc chống nôn.

Thở oxy 100% có thể loại bỏ cơn đau đầu migraine, và phong bế hạch chân bướm khẩu cái bằng thuốc tê có thể khá hiệu quả.

Dược phẩm chứa cafein, barbiturate, ergotamine, triptan và opioid có xu hướng gây hiện tượng đau đầu hồi ứng khiến việc điều trị chứng đau nửa đầu còn khó khăn hơn ban đầu.

Thuốc ergotamine và nhóm thuốc triptan không nên áp dụng cho những bệnh nhân có đồng thời bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh mạch vành hay huyết áp cao.

5.2. Điều trị dự phòng

Với hầu hết bệnh nhân bị đau đầu migraine, điều trị dự phòng sẽ là sự lựa chọn tốt hơn điều trị cắt cơn. Cơ sở chính của phương pháp điều trị này là “thuốc chẹn beta giao cảm” (Beta – blocking agent).

Propranolol và hầu hết các thuốc trong nhóm này có thể kiểm soát hay giảm tần số và cường độ của các cơn đau đầu và giúp ngăn chặn aura. Sử dụng liều 80 mg hàng ngày dưới dạng tác dụng kéo dài là một bước điều trị khởi đầu hợp lý cho hầu hết các bệnh nhân bị chứng đau đầu migraine. Propranolol chống chỉ định cho những bệnh nhân bị hen phế quản hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.

Axit valproic, thuốc ức chế kênh canxi (ví dụ verapamil), clonidine, thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants), và nhóm thuốc NSAID cũng đã được sử dụng để ngừa đau đầu migraine.

Mỗi loại thuốc này có ưu điểm và nhược điểm riêng, bác sĩ khi điều trị cần điều chỉnh liệu trình nhằm đáp ứng tốt nhất bệnh trạng của mỗi bệnh nhân.

6. BIẾN CHỨNG VÀ NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP

Ở hầu hết bệnh nhân, đau đầu migraine là bệnh gây đau đớn nhưng không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, những bệnh nhâu bị đau đầu migraine có aura kéo dài hoặc phức tạp có nguy cơ phát triển các thiếu sót thần kinh vĩnh viễn. Những trường hợp này tốt hơn hết phải được điều trị bởi các chuyên gia đau đầu đã có kinh nghiệm về những nguy cơ này và được trang bị tốt nhất để xử lí.

Đôi khi buồn nôn và ói mửa kéo dài kết hợp với đau đầu nghiêm trọng có thể dẫn tới mất nước khiến bệnh nhân phải nhập viện và bù dịch.

7. KINH NGHIỆM LÂM SÀNG

Nguyên nhân phổ biến của việc kém đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống ở bệnh nhân đau đầu migraine là họ thực chất là bị đau đầu do căng thẳng, đau đầu hồi ứng, hay những hội chứng đau đầu kết hợp.

Các bác sĩ phải chắc chắn rằng bệnh nhân không dùng với liều lượng lớn các thuốc đau đầu chứa cafein hoặc các thuốc hoạt mạch như barbiturate, nhóm thuốc ergot hay triptan khiến đau đầu hồi ứng. Cơn đau đầu của bệnh nhân sẽ không được cải thiện cho đến khi những loại thuốc này được loại bỏ.

5 2 đánh giá
Article Rating
Cùng chủ đề: 01. Các hội chứng đau vùng đầu và vùng mặt
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận