Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay

Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay là bệnh lý viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái. Khi bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng lên gây ra hiện tượng chèn ép dẫn đến hạn chế vận động của gân trong đường hầm gọi là hội chứng De Querrvain

VIÊM GÂN VÙNG MỎM TRÂM QUAY CỔ TAY
(De quervain syndrome)

1. ĐẠI CƯƠNG

Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay (De Quervain syndrome) là bệnh lý viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái do nhà phẫu thuật người Thuỵ Sỹ Fréderic De Quervain phát hiện năm 1895. Bệnh thường gặp ở nữ giới từ 30 đến 50 tuổi.

Bình thường cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái trượt trong đường hầm được bao bọc bởi bao hoạt dịch gân, có tác dụng làm trơn để hai gân trượt được dễ dàng. Khi bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng lên gây ra hiện tượng chèn ép dẫn đến hạn chế vận động của gân trong đường hầm gọi là hội chứng De Querrvain.

Bệnh lý viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái
Bệnh lý viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái

2. NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân còn chưa rõ (tự phát). Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ như:

  • Các chấn thương vùng cổ bàn tay.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Các nghề nghiệp phải sử dụng bàn tay nhiều như làm ruộng, giáo viên, phẫu thuật, cắt tóc, nội trợ. Vi chấn thương (các động tác lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay và ngón cái) là điều kiện thuận lợi gây nên viêm bao gân.
  • Trong một số trường hợp có sự kết hợp với một số bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Lâm sàng

  • Đau vùng mỏm trâm quay, đau tăng khi vận động ngón cái, đau liên tục nhất là về đêm. Đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay. Xem thêm Biểu hiện cơn đau của bạn như thế nào?
  • Sưng nề vùng mỏm trâm quay.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Sờ thấy bao gân dầy lên, có khi có nóng, đỏ, ấn vào đau hơn.
  • Khó nắm tay. Khi vận động ngón cái có thể nghe thấy tiếng kêu cót két.
  • Test Finkelstein: gấp ngón cái và khép về phía ngón 5 vào trong lòng bàn tay. Nắm các ngón tay trùm lên ngón cái. Uốn cổ tay về phía xương trụ. Nếu bệnh nhân thấy đau chói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón cái hoặc ở gốc ngón cái là dấu hiệu dương tính của nghiệm pháp.
Test Finkelstein
Test Finkelstein

3.2. Cận lâm sàng

  • Có thể siêu âm vùng mỏm trâm quay: Hình ảnh gân dạng dài và duỗi ngắn dầy lên, bao gân dầy, có dịch quanh gân.
  • Có thể thấy hình ảnh tăng sinh mạch trong gân hoặc bao gân trên Doppler năng lượng (PW).
  • Làm thêm các xét nghiệm cơ bản (đường máu, chức năng gan, thận…).

3.3. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào khám lâm sàng. Triệu chứng đau chói vùng mỏm trâm quay và test Finkelstein dương tính là bắt buộc phải có để chẩn đoán xác định bệnh.

Cũng cần đánh giá các yếu tố nguyên nhân hay yếu tố nguyên nhân gây bệnh như tiền sử nghề nghiệp, chấn thương vùng cổ bàn tay, các bệnh khớp kèm theo như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp. Có thể sử dụng thêm siêu âm vùng mỏm trâm quay ở cơ sở y tế có điều kiện.

3.4. Chẩn đoán phân biệt

  • Viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay.
  • Thoái hóa khớp gốc ngón tay cái.
  • Viêm bao hoạt dịch gân cơ duỗi cổ tay quay ngắn và dài.
  • Chèn ép nhánh nông thần kinh quay.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc chung

  • Kết hợp nhiều phương pháp điều trị: Không dùng thuốc, dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, ngoại khoa.
  • Dự phòng bệnh tái phát: Loại bỏ các yếu tố nguy cơ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, chú ý tư thế lao động đúng..

4.2. Điều trị cụ thể

Xem thêm: Tổng quan chẩn đoán và điều trị đau

4.2.1. Các phương pháp không dùng thuốc

  • Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay và ngón tay cái (thường 4 – 6 tuần).
  • Trường hợp sưng đau nhiều nên dùng băng nẹp cổ tay và ngón cái liên tục trong 3 – 6 tuần ở tư thế cổ tay để nguyên, ngón cái dạng 45 độ so với trục xương quay và gấp 10 độ.
  • Chườm lạnh.
  • Điều trị bằng sử dụng laser màu, siêu âm, xung điện kích thích thần kinh qua da (TENS – transcutaneous elactrical nerve stimulation) để giảm đau, chống viêm

4.2.2. Dùng thuốc

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau

Thuốc chống viêm không steroid bôi tại chỗ: thuốc diclofenac dạng bôi: bôi 2-3 lần/ngày.

Thuốc giảm đau: acetaminophen (Paracetamol): 0,5g x 2-4 viên /24h.

− Thuốc chống viêm không streroid đường uống. Dùng một trong các loại thuốc sau: diclofenac 50mg x 2 viên/24h; meloxicam 7,5mg x 1-2 viên/24h; celecoxib 200 mg x 1 – 2 viên/24h.

− Tiêm corticoid trong bao gân De Quervain. Cần tránh tiêm vào mạch máu. Do vậy tốt nhất là nên tiêm corticoid dưới hướng dẫn của siêu âm do tính chính xác, độ an toàn cao. Chỉ các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa khớp mới được tiêm corticoid trong bao gân vì có nguy cơ đứt gân khi tiêm vào gân hay nhiễm trùng. Các chế phẩm:

  • Hydrocortison acetat là loại tác dụng nhanh, thời gian bán huỷ ngắn. Liều cho một lần tiêm trong bao khớp là 0,3ml. Tiêm không quá ba lần cho mỗi đợt điều trị.
  • Methyl prednisolon acetat là loại tác dụng kéo dài, liều dùng 0,3 ml/1 lần, mỗi đợt tiêm hai lần. Mỗi năm không quá ba đợt.
  • Betamethasone (tên đầy đủ: betamethasone pripionate): Liều dùng 0,3ml/1 lần tiêm.

4.2.3. Điều trị ngoại khoa

Chỉ áp dụng khi tất cả các biện pháp trên không hiệu quả. Can thiệp phẫu thuật tạo ra nhiều không gian hơn cho gân hoạt động để gân không cọ xát vào đường hầm. Sau mổ, có thể tham gia phục hồi chức năng. Sau khi cắt chỉ, tập các bài tập chủ động để tăng dần biên độ và sức mạnh của các cơ.

5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

Hội chứng De Quervain đa số diễn biến từ từ và kéo dài; triệu chứng thường không rầm rộ. Đôi khi bệnh nhân chỉ đau và hạn chế vận động nhẹ. Tuy nhiên bệnh ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, làm giảm năng suất lao động, đặc biệt là khi làm các động tác cần đến hoạt động tinh tế của bàn tay.

6. PHÒNG BỆNH

− Tránh các hoạt động bàn tay, cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài; cần xen kẽ thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cũng cần tập luyện cho gân dẻo dai qua những bài tập cho gân khớp vùng cổ tay.
− Không nên xoa bóp thuốc rượu, dầu nóng vì dễ làm tình trạng viêm nặng thêm. Không nên nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân khớp.
− Ngoài ra, nên có chế độ ăn đầy đủ sinh tố, đặc biệt ở phụ nữ khi mang thai hay sau khi sinh. Ở người lớn tuổi, nên bổ sung thêm calci, dùng sữa và các sản phẩm của sữa (sữa chua, phomat).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Carlton A. William W; “Corticosteroid Injection for Treatment of de Quervain’s Tenosynovitis” A Pooled Quantitative Literature Evaluation, 2003; p1- 3
  2. Cyriac Peters – Veluthamaningal, Winters JC; “Randomised controlled trial of local corticosteroid injections for de Quervains”; 2009; p1- 8
  3. M, Moghazy K; “Ultrasonographic diagnosis of the de Quervain’s tenosynovitis”; Ann Rheum Dis 2002; p61:1034-5.
  4. Peters-Veluthamaningal C, Windt DA; “Corticosteroid injection for de Quervain’s tenosynovitis”; Cochrane Database Syst Rev, 2009:CD005616.
  5. Seyed A.M, Seyed A.A; “ Methylprednisolone Acetate Injection Plus Casting Versus Casting Alone for the Treatment ofde Quervain’s Tenosynovitis23”; December 2008; p270 -275.
5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận