Mục lục bài viết
1. Tổng quan gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi là một tai nạn rất hay gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân thường gặp là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất, mật độ xương thấp và giòn do tuổi cao nên dẫn tới nguy cơ này.
Xem thêm chủ đề Loãng xương, hạn chế nguy cơ gãy cổ xương đùi
- Loãng xương
- Các ngộ nhận thường gặp về loãng xương
- Nên ăn gì khi bị loãng xương?
- Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, phòng bệnh, điều trị
Người cao tuổi (NCT) hay bị gãy cổ xương đùi là do các yếu tố thuận lợi như: loãng xương, ít vận động, bị bệnh phối hợp trước đó như tai biến mạch máu não, yếu 1/2 người, hậu quả của cơn thiếu máu não thoáng qua gây mất tri giác tức thời và ngã…
Do đặc điểm giải phẫu của cấp máu vùng cổ xương đùi nên khi gãy các mạch máu nuôi vùng cổ và chỏm xương đùi bị tổn thương, dẫn tới mất khả năng cấp máu nuôi dưỡng, nguy cơ không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi gần như chắc chắn xảy ra.
2. Những rắc rối gặp phải
Do không liền xương và/hoặc tiêu chỏm xương đùi nên người bệnh khó có khả năng đi lại như trước khi gãy và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động như:
- Chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn;
- Khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường;
- Đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau;
- Do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động sinh lý, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; loét ở những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng…;
- Ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới do người bệnh không hoặc ít vận động…
3. Một giải pháp tối ưu: Thay khớp háng
Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn; có thể ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ, do vậy giúp vỗ rung, long đờm, hạn chế nguy cơ viêm phổi; giúp xoay trở, chăm sóc người bệnh dễ dàng hơn, tránh loét ở những vùng tỳ đè, đại tiểu tiện dễ dàng hơn…
Tuy nhiên, để có thể phẫu thuật được và phẫu thuật an toàn, bác sĩ cũng như người bệnh và gia đình phải cân nhắc những yếu tố rủi ro và nguy cơ ngoài mong muốn. Thậm chí là tử vong trong và sau mổ, như:
- Thể trạng người bệnh có đủ để phẫu thuật không?
- Có các bệnh phối hợp không (Đái Tháo Đường, Tăng huyết áp, tim mạch…);
- Tiền sử dị ứng với các loại thuốc; nguy cơ của gây tê, gây mê; nguy cơ trong phẫu thuật…
4. Kỹ thuật thay khớp háng bán phần
Thực tế và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỷ lệ rủi ro và tử vong nhất định nhưng với những trường hợp thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê và phẫu thuật, thay khớp háng vẫn còn khả năng mang lại hy vọng cho người bệnh.
Người bệnh sẽ được vô cảm bằng gây tê tủy sống hoặc gây mê nội khí quản. Sau khi rạch da đường phía sau ngoài, phẫu thuật viên sẽ bộc lộ khớp háng. Khi mở vào bao khớp sẽ thấy đường gãy ở cổ xương đùi.
Tiếp theo phẫu thuật viên sẽ lấy bỏ chỏm xương đùi rồi doa phần thân xương đùi để phù hợp với loại chuôi khớp háng sẽ thay thế. Sau khi lắp chuôi thử nếu thấy vận động tốt, khớp vững, có chiều dài chi bình thường, phẫu thuật viên sẽ thay khớp háng bán phần loại có hoặc không có xi măng.
Đặt lại khớp háng, kiểm tra độ vững của khớp, tư thế khớp. Phẫu trường được dẫn lưu kín, hút áp lực âm. Vết mổ được khâu phục hồi phần mềm theo các lớp giải phẫu và băng vô khuẩn.
5. Chương trình tập phục hồi chức năng sau mổ
Đây là một phần không thể thiếu sau phẫu thuật thay khớp háng. Bệnh nhân cần được tập luyện sớm để tránh các biến chứng sau mổ. Và hơn cả, bệnh nhân được sớm phục hồi và ra viện.
Ngoài ra, mỗi loại khớp háng nhân tạo sẽ có những lưu ý riêng trong sinh hoạt, tránh để trật khớp. Bạn cần liên hệ bác sĩ phục hồi chức năng để được tư vấn.