Một số kỹ thuật Vật lý trị liệu điều trị đau và viêm

Điều trị đau và viêm bằng vật lý trị liệu nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và cải thiện sự phối hợp của cơ và khớp. Điều trị không dùng thuốc bao gồm các bài tập trị liệu, liệu pháp nhiệt, chườm lạnh, kích thích điện, kéo giãn cột sống, xoa bóp và châm cứu. Những phương pháp điều trị này được sử dụng cho nhiều bệnh lý tại cơ, gân và dây chằng.

1. Liệu pháp nhiệt nóng

Liệu pháp nhiệt gây giảm nhẹ triệu chứng tạm thời trong các chấn thương mạn tính và các bệnh lý viêm (ví dụ như bong gân, căng cơ, viêm bao gân, viêm xơ, co cứng cơ, viêm cơ, đau lưng, chấn thương cổ, các dạng viêm khớp, đau khớp, đau dây thần kinh). Nhiệt làm tăng lưu lượng máu và làm giãn các mô liên kết; đồng thời làm giảm co cứng khớp, giảm đau và co cơ, giảm viêm, phù nề và tràn dịch. Có thể sử dụng liệu pháp nhiệt nông (hồng ngoại, chườm nóng, parafin, thủy liệu pháp) hoặc nhiệt sâu (siêu âm). Cường độ và thời gian của các tác dụng sinh lý phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ mô, tốc độ gia tăng nhiệt, và diện tích vùng điều trị.

1.1. Một số liệu pháp nhiệt nóng

1.1.1. Đèn hồng ngoại

Đèn hồng ngoại sử dụng nhiệt hồng ngoại, thường với thời gian 20 phút/ngày. Chống chỉ định trong các trường hợp bệnh lý tim mạch tiến triển, bệnh mạch ngoại vi, rối loạn cảm giác nông da (đặc biệt là cảm giác nhiệt và đau), suy gan hoặc suy thận nặng. Cần thận trọng tránh bị bỏng.

1.1.2. Túi chườm nóng

Túi chườm nóng được làm từ vật liệu vải bông chứa gel silicat; chúng được hâm nóng bằng cách đun sôi hoặc qua lò vi sóng, sau đó đắp lên da. Các túi chườm không nên được hâm quá nóng. Bọc túi chườm trong một vài lớp khăn giúp bảo vệ da khỏi bỏng. Chống chỉ định cũng giống với nhiệt hồng ngoại.

1.1.3. Liệu pháp nhiệt parafin

Trong liệu pháp nhiệt parafin, vùng bệnh được ngâm, nhúng hoặc quét lớp sáp được làm nóng tới 49° C. Có thể giữ nhiệt bằng bọc khăn xung quanh vùng bôi paraffin trong vòng 20 phút. Thường áp dụng liệu pháp này tại các khớp nhỏ, bằng cách ngâm hoặc nhúng tay hoặc quết paraffin lên khuỷu hoặc khối. Không nên dùng paraffin cho các vết thương hở hoặc cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng paraffin. Liệu pháp này đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp viêm các khớp ngón tay.

1.1.4. Thủy liệu pháp

Thủy liệu pháp có thể được sử dụng để gia tăng quá trình phục hồi tại vết thương. Dòng nước ấm lưu động sẽ kích thích tuần hoàn, từ đó dọn sạch tổn thương tại vết thương hoặc vết bỏng. Liệu pháp này thường được tiến hành trong bể Hubbard (một loại bồn xoáy công nghiệp kích thước lớn), sử dụng nước đun nóng đến 35,5 đến 37,7° C. Ngâm mình hoàn toàn trong nước đun đến 37,7 – 40° C cũng giúp làm giãn cơ và giảm đau. Thủy trị liệu tỏ ra đặc biệt hữu ích trong các bài tập tầm vận động.

1.1.5. Liêu pháp nhiệt điện

Liệu pháp điện nhiệt là phương pháp làm ấm các mô sử dụng trường điện từ dao động tần số cao dưới dạng sóng ngắn hoặc vi sóng. Những phương thức này không cho thấy hiệu quả cao hơn các liệu pháp nhiệt đơn giản, và hiện nay hiếm khi được sử dụng.

1.1.6. Siêu âm trị liệu

Siêu âm sử dụng các sóng âm tần số cao để thâm nhập sâu (4-10 cm) vào mô; gây tác dụng nhiệt, cơ học, hóa học, và sinh học. Nó được chỉ định trong các trường hợp viêm gân, viêm bao hoạt dịch, co rút, thoái hóa khớp, chấn thương xương và hội chứng đau cục bộ phức tạp. Siêu âm không nên được sử dụng tại các mô thiếu máu, các vùng đã được gây tê hoặc có tình trạng nhiễm trùng cấp tính, đồng thời cũng không được sử dụng trong các trường hợp xuất huyết nội tạng hoặc ung thư. Siêu âm cũng không nên được sử dụng tại các vị trí mắt, não, tủy sống, tai, tim, cơ quan sinh dục, đám rối cánh tay, hoặc xương đang trong giai đoạn phục hồi.

Một số kỹ thuật Vật lý trị liệu điều trị đau và viêm
Một số kỹ thuật Vật lý trị liệu điều trị đau và viêm

1.2. Chỉ định của liệu pháp nhiệt

1.2.1. Chỉ định liệu pháp nhiệt (nhiệt hồng ngoại, chườm nóng, parafin, thủy trị liệu)

  • Đau khớp
  • Viêm khớp
  • Đau lưng
  • Hội chứng đau xơ cơ
  • Co cứng cơ
  • Đau cơ
  • Đau thần kinh
  • Bong gân
  • Căng cơ
  • Viêm bao gân
  • Chấn thương do giật cổ

1.2.2. Siêu âm

  • Chấn thương xương
  • Viêm bao hoạt dịch
  • Hội chứng đau cục bộ phức tạp
  • Tình trạng co rút
  • Thoái hóa khớp
  • Viêm gân

2. Nhiệt lạnh trị liệu

2.1. Khái quát

Lựa chọn giữa phương pháp điều trị nhiệt nóngnhiệt lạnh thường dựa vào kinh nghiệm. Khi liệu pháp nhiệt nóng không có hiệu quả, có thể áp dụng phương pháp nhiệt lạnh. Tuy nhiên, đối với tổn thương cấp tính hoặc đau, nhiệt lạnh tỏ ra tốt hơn liệu pháp nhiệt nóng. Nhiệt lạnh có thể giúp làm giảm co cơ, đau cơ hoặc đau do chấn thương, đau lưng cấp và viêm cấp; nhiệt lạnh cũng có thể giúp gây tê cục bộ. Liệu pháp nhiệt lạnh thường được sử dụng trong vài giờ đầu tiên hoặc một ngày sau khi chấn thương; vì lý do đó, nó hiếm khi được sử dụng trong vật lý trị liệu.

Có thể tiến hành nhiệt lạnh trị liệu cục bộ bằng cách sử dụng túi chườm đá, túi đá, hoặc các chất lỏng dễ bay hơi (ethyl chloride, phun hơi lạnh), để làm mát thông qua quá trình bay hơi. Sự lan truyền dòng nhiệt lạnh trên da phụ thuộc vào độ dày lớp biểu mô, vào mô mỡ và mô cơ nằm dưới, vào hàm lượng nước trong mô và dòng tuần hoàn tới mô đó. Cần cẩn thận để tránh gây tổn thương mô và hạ thân nhiệt. Liệu pháp nhiệt lạnh không nên được áp dụng trên các khu vực tưới máu kém.

2.2. Chỉ định chườm lạnh

3. Kích thích điện

3.1. Khái quát

Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS) sử dụng dòng điện cường độ thấp, tần số thấp để giảm đau. Bệnh nhân chỉ có cảm giác kim châm nhẹ, không gây căng cơ tăng lên. Tùy thuộc vào mức độ đau, có thể kích thích từ 20 phút đến một vài giờ mỗi lần, vài lần mỗi ngày. Thông thường, bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng thiết bị TENS và tự quyết định thời điểm điều trị. Vì TENS có thể gây loạn nhịp, nên nó chống chỉ định ở những bệnh nhân có bất kỳ rối loạn nhịp tiến triển nào, hoặc đang có máy tạo nhịp. Liệu pháp này không nên được áp dụng trên mắt.

Ngoài ra có nhiều dòng điện giảm đau, tập khỏe cơ khác như Giao thoa (IF), Faradic,…

3.2. Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS)

4. Kéo giãn cột sống cổ

4.1. Khái quát

Kéo giãn cột sống cổ thường được chỉ định đau mạn tính cột sống cổ do thoái hóa cột sống cổ, phình lồi đĩa đệm cột sống cổ, chấn thương do giật cổ hoặc vẹo cổ cấp. Kéo giãn theo chiều thẳng đứng (bệnh nhân ở tư thế ngồi) có hiệu quả hơn so với kéo giãn theo chiều ngang (bệnh nhân nằm trên giường). Kéo ngắt quãng theo nhịp với lực từ 7,5 đến 10 kg là hiệu quả nhất. Để có kết quả tốt nhất, nên đặt tư thế cổ của bệnh nhân gấp từ 15 đến 20 °.

Nói chung, nên tránh kéo giãn quá mức cột sống cổ, bởi nó có thể làm tăng chèn ép rễ thần kinh trong lỗ gian đốt sống. Kéo giãn thường được kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu khác, bao gồm các bài tập và kéo giãn bằng tay.

4.2. Kéo giãn cột sống cổ

5. Xoa bóp

5.1. Khái quát

Xoa bóp giúp vận động các mô bị co kéo, làm giảm đau, giảm sưng tấy và chai cứng do chấn thương (gãy xương, chấn thương khớp, bong gân, căng cơ, bầm tím, tổn thương thần kinh ngoại biên). Xoa bóp nên cân nhắc sử dụng trong những trường hợp đau lưng thấp, viêm khớp, viêm quanh khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm dây thần kinh, hội chứng đau cơ xơ, liệt nửa người, liệt hai chi dưới, liệt tứ chi, đa xơ cứng, bại não, một số loại ung thư và cắt cụt.

Không nên sử dung xoa bóp trong điều trị nhiễm trùng hoặc viêm huyết khối. Xoa bóp không được khuyến cáo cho bệnh nhân dị ứng nặng vì nó gây giải phóng histamine khắp cơ thể. Chỉ chuyên gia xoa bóp có chứng chỉ hoặc đã được chứng nhận mới được sử dụng xoa bóp để điều trị vì có sự khác biệt khác nhiều về mức độ tập huấn và kỹ năng của các chuyên gia xoa bóp.

5.2. Chỉ định của xoa bóp

  • Cắt cụt
  • Viêm khớp *
  • Bầm tím
  • Viêm bao hoạt dịch *
  • Một số loại ung thư
  • Bại não
  • Co rút mô
  • Hội chứng đau cơ xơ
  • Viêm xơ *
  • Gãy xương
  • Liệt nửa người *
  • Chấn thương khớp
  • Đau lưng *
  • Đa xơ cứng*
  • Viêm thần kinh *
  • Liệt hai chi dưới *
  • Viêm quanh khớp vai *
  • Tổn thương thần kinh ngoại vi
  • Liệt tứ chi *
  • Bong gân
  • Căng cơ

* Cân nhắc chỉ định xoa bóp

6. Châm cứu

6.1. Khái quát

Châm cứu sử dụng các kim mỏng đâm xuyên qua da tại một số vị trí cụ thể, thường là xa vùng đau. Châm cứu đôi khi được sử dụng phối hợp với các phương pháp điều trị khác để kiểm soát đau cấp tính và mạn tính.

6.2. Chỉ định của châm cứu

  • Đau mạn tính
  • Tổn thương hệ cơ xương khớp cấp và mạn tính
  • Viêm khớp và thoái hóa khớp
5 2 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận