Hội chứng khớp sườn - đốt sống gây đau ngực do viêm, chấn thương, thoái hóa hoặc bệnh lý tự miễn như viêm cột sống dính khớp, dễ bị nhầm với đau tim hay phổi. Chẩn đoán cần kết hợp khám lâm sàng, hình ảnh học (X-quang, CT, MRI), xét nghiệm máu và loại trừ các nguyên nhân khác. Điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu, đeo đai ngực, và trong trường hợp nặng có thể tiêm thuốc giảm đau tại khớp.
1. Hội Chứng Lâm Sàng (Costovertebral Joint Syndrome)
Khớp sườn – đốt sống là một khớp thực sự và có thể bị ảnh hưởng bởi viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, hội chứng Reiter và đặc biệt là viêm cột sống dính khớp. Khớp này thường bị chấn thương trong các tai nạn tăng tốc – giảm tốc và chấn thương va đập mạnh vào ngực; khi bị chấn thương nghiêm trọng, khớp có thể bị bán trật hoặc trật khớp.

Việc sử dụng quá mức hoặc sai tư thế có thể gây viêm cấp khớp sườn – đốt sống, gây đau đớn nghiêm trọng. Khớp này cũng có thể bị xâm lấn bởi khối u ác tính nguyên phát (như ung thư phổi) hoặc di căn. Cơn đau từ khớp sườn – đốt sống có thể bắt chước các cơn đau có nguồn gốc từ tim hoặc phổi.
2. Dấu Hiệu và Triệu Chứng
Khi khám lâm sàng, bệnh nhân có xu hướng cố định các khớp bị ảnh hưởng bằng cách tránh gập, duỗi và nghiêng cột sống; họ cũng có thể rút xương bả vai về phía sau để giảm đau. Khớp sườn – đốt sống có thể nhạy cảm khi ấn vào và có cảm giác nóng, sưng nếu đang bị viêm cấp.
Bệnh nhân có thể than phiền về cảm giác “lách cách” khi khớp cử động. Vì viêm cột sống dính khớp thường ảnh hưởng đến cả khớp sườn – đốt sống và khớp cùng chậu, nhiều bệnh nhân có dáng đi khom lưng, điều này nên khiến bác sĩ nghĩ đến khả năng bệnh này là nguyên nhân gây đau.
3. Cận lâm sàng
X-quang thường hoặc CT được chỉ định cho mọi bệnh nhân nghi ngờ đau xuất phát từ khớp sườn – đốt sống để loại trừ các rối loạn xương tiềm ẩn, bao gồm cả khối u. Nếu có chấn thương, quét xương bằng đồng vị phóng xạ có thể hữu ích để loại trừ gãy xương sườn hoặc xương ức không rõ.
Xét nghiệm máu để tìm bệnh mô liên kết và các bệnh lý khớp khác, bao gồm viêm cột sống dính khớp, được chỉ định nếu có biểu hiện đau khớp sườn – đốt sống, đặc biệt khi có các khớp khác cũng bị ảnh hưởng. Do tỉ lệ cao của bất thường khớp sườn – đốt sống ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, nên cân nhắc xét nghiệm HLA-B27.
Tùy theo biểu hiện lâm sàng, có thể chỉ định thêm công thức máu, PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt), tốc độ lắng hồng cầu (ESR) và ANA (kháng thể kháng nhân). MRI khớp được chỉ định nếu nghi ngờ bất ổn khớp hoặc có khối bất thường không rõ.
4. Chẩn Đoán Phân Biệt
Như đã đề cập, đau do hội chứng khớp sườn – đốt sống thường bị nhầm với đau do tim hoặc phổi, khiến bệnh nhân đến phòng cấp cứu và thực hiện các xét nghiệm tim phổi không cần thiết. Nếu có chấn thương, hội chứng này có thể đi kèm với gãy xương sườn hoặc gãy đốt sống, xương ức – những tổn thương có thể không thấy trên phim X-quang thường và cần quét xương để xác định.
Đau thần kinh liên quan đến thành ngực cũng có thể bị nhầm lẫn hoặc cùng tồn tại với hội chứng này, ví dụ như bệnh đa dây thần kinh do tiểu đường hoặc zona cấp tính ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngực.
Các bệnh lý vùng trung thất có thể xảy ra và khó chẩn đoán. Các quá trình viêm màng phổi như thuyên tắc phổi, nhiễm trùng, bệnh Bornholm cũng có thể làm chẩn đoán nhầm lẫn và gây khó khăn trong điều trị.
5. Điều trị hội chứng khớp sườn – đốt sống
Điều trị ban đầu của hội chứng đau và suy giảm chức năng do khớp sườn – đốt sống là sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc ức chế COX-2.
Chườm nóng hoặc lạnh tại chỗ có thể mang lại lợi ích. Các phương thức vật lý trị liệu như sóng cao tần của sóng ngắn, vi sóng…; laser cường độ cao; siêu âm… có giá trị tốt trong điều trị chống viêm, giảm đau.
Việc sử dụng đai ngực đàn hồi có thể giúp giảm triệu chứng và bảo vệ khớp khỏi chấn thương thêm.
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, tiêm khớp sườn – đốt sống bằng thuốc tê kết hợp steroid là lựa chọn hợp lý tiếp theo. Sau vài ngày, nên bắt đầu sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng tại chỗ và các bài tập vận động nhẹ nhàng.
Tránh các bài tập quá mạnh vì có thể làm triệu chứng nặng hơn. Thuốc giảm đau đơn giản và NSAID có thể được sử dụng đồng thời với phương pháp tiêm.
6. Biến Chứng và Lưu Ý
Vì có nhiều bệnh lý có thể giả dạng cơn đau của hội chứng khớp sườn – đốt sống, bác sĩ cần loại trừ cẩn thận các bệnh lý tiềm ẩn ở phổi, tim, cột sống và trung thất. Việc không làm điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Biến chứng chính của tiêm khớp là tràn khí màng phổi nếu kim tiêm đi quá sâu hoặc quá lệch sang bên và xâm nhập vào khoang màng phổi. Nhiễm trùng, dù hiếm, vẫn có thể xảy ra nếu không đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối. Chấn thương các cấu trúc trong trung thất cũng là nguy cơ, có thể giảm đáng kể nếu xác định chính xác vị trí kim tiêm.
7. Lưu Ý Lâm Sàng
Bệnh nhân bị đau xuất phát từ khớp sườn – đốt sống thường nghĩ rằng họ bị viêm phổi hoặc đang lên cơn đau tim. Cần trấn an bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo:
- Arslan G, Cevikol C, Karaali K, et al: Single rib sclerosis as a sequel of compression fracture of adjacent vertebra and costovertebral joint ankylosis, Eur J Radiol Extra 51(1):43–46, 2004.
- Duprey S, Subit D, Guillemot H, et al: Biomechanical properties of the costovertebral joint, Med Eng Phys 32(2):222–227, 2010.
- Erwin WM, Jackson PC, Homonko DA: Innervation of the human costovertebral joint: implications for clinical back pain syndromes, J Manipulative Physiol Ther 23(6):395–403, 2000.
- Illiasch H, Likar R, Stanton-Hicks M: CT use in pain management, Tech Reg Anesth Pain Manag 11(2):103–112, 2007.
- Waldman SD: Costovertebral joint pain. In Atlas of pain management injection techniques, ed 2, Philadelphia, 2007, Saunders, pp 304–308.