BỆNH LÝ VIÊM XƯƠNG SỤN KHỚP HÁNG NGUYÊN PHÁT (LEGG-CALVE-PERTHES DISEASE)
VÀ VAI TRÒ CỦA PHẪU THUẬT
Mục lục bài viết
I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh Legg-Calve-Perthes (LCPD, hay còn được gọi là bệnh lý viêm xương sụn khớp háng nguyên phát, osteochondrite primitive de la hanche) được mô tả trong y văn lần đầu tiên năm 1897 bởi Karel Maydl. Sau đó năm 1910, bệnh Legg-Calve-Perthes được mô tả đầy đủ, và tên của bệnh lý này chính là tên của ba bác sỹ (Arthur Legg, Jacques Calve và Georg Perthes).
Bệnh khá thường gặp với tỷ lệ 1/1.000 trẻ, thường gặp ở trẻ nam, độ tuổi thường gặp là 4-8 tuổi, tỷ lệ một bên là 90% và cả hai bên khớp háng là 10%.
Bệnh xảy ra do tình trạng thiếu hoặc mất nguồn cung cấp máu cho phần chỏm xương đùi của khớp háng, dẫn đến phần chỏm xương đùi bị hoại tử vô mạch, song song với quá trình phá huỷ cấu trúc xương sụn là quá trình cốt hoá lại phần ngoại vi của sụn phát triển, dẫn tới hậu quả cuối cùng là chỏm xương đùi bị biến dạng bẹt và phì đại (coxa plana).
II. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM Bệnh Legg-Calve-Perthes
Bệnh Legg-Calve-Perthes thường gây triệu chứng đầu tiên tại khớp háng.
– Đau khớp háng mà không có nguyên nhân chấn thương.
– Trẻ đi tập tễnh do đau và ngày càng đi lại khó khăn.
– Một số trường hợp biểu hiện đau tại đùi hoặc khớp gối.
III. KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH
Bệnh Legg-Calve-Perthes thường xảy ra ở độ tuổi 4-8 tuổi. Tuy nhiên việc phát hiện, chẩn đoán và điểu trị thường muộn do triệu chứng không biểu hiện rầm rộ, đặc điểm bệnh lý tiến triển chậm, qua nhiều năm. Khi phát hiện và điều trị các trường hợp thường là đến muộn với biến dạng nặng của chỏm xương đùi, ảnh hưởng lớn đến chức năng khớp háng.
Khám lâm sàng: Trẻ thường đi lại tập tễnh do đau, triệu chứng sớm nhất là hạn chế vận động xoay trong khớp háng (hip rotation test), có thể gặp dấu Trendelenburg dương tính. Một triệu chứng hay gặp khác là cứng khớp háng (giai đoạn muộn).
IV. CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Hình ảnh Xquang có thể giúp chẩn đoán xác định bệnh, và thay đổi tuỳ theo giai đoạn bệnh. Hình ảnh Xquang trong giai đoạn sớm thường là hình ảnh rộng khe khớp (do sự dày lên của sụn chỏm xương đùi và ổ cối), sau đó theo diễn biến của bệnh tương ứng với 4 giai đoạn bệnh theo Waldenstrom:
– Giai đoạn đặc sụn (condensation): dấu hiệu đặc một phần hoặc toàn bộ nhân sụn phát triển của chỏm xương đùi, bẹt phần trên ngoài chỏm xương đùi, rộng khe khớp háng phía bên trong
– Giai đoạn chia tách sụn (fragmentation): phần sụn phát triển của chỏm xương đùi bị chia tách, phần sụn ổ cối có nhiều ổ khuyểt
– Giai đoạn sửa chữa (reossification): cốt hoá lại phần ngoại vi nhân sụn phát triển sau khi các vùng đặc sụn ở đầu xương biến mất.
– Giai đoạn di chứng: biến dạng chỏm xương đùi “coxa plana” bẹt và phì đại.
V. ĐIỀU TRỊ
Hệ thống phân loại bệnh Legg-Calve-Perthes gồm rất nhiều hệ thống phân loại. Trong đó phân loại theo Herring được dùng trong việc xác định phương pháp điều trị.
Mục đích điều trị trong bệnh Legg-Calve-Perthes là giữ cho hình dạng của chỏm xương đùi, từ đó tránh được nguy cơ cứng khớp háng và thoái hoá khớp.
1. ĐIỀU TRỊ BẢO TỒN (không phẫu thuật)
Dựa vào chẩn đoán giai đoạn bệnh của bác sỹ cùng với các yếu tố như lứa tuổi, với những trường hợp Herring A, Herring B được điều trị bảo tồn. Các phương pháp điều trị bảo tồn hiện nay là:
– Kéo liên tục, với lực kéo khoảng 1/10 trọng lượng cơ thể, có thể phối hợp kéo ở tư thế giạng và xoay trong
– Dụng cụ trợ đỡ giúp giảm một phần lực tỳ đè ở tư thế giạng khớp háng hoặc theo trục
2. ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Với những trường hợp bệnh ở giai đoạn Herring C, phẫu thuật thường được đặt ra. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật, tuy nhiên tựu chung lại với một mục đích chung là giảm sự bất tương xứng của chỏm xương đùi và ổ cối, bởi đặc điểm của bệnh lý là chỏm xương đùi biến dạng bẹt.
Do đó vô hình chung ổ cối nguyên thuỷ không thể che phủ đủ cho chỏm xương đùi bị biến dạng. Các phẫu thuật tạo hình lại ổ cối, tăng sự che phủ của chỏm xương đùi sẽ giúp hạn chế nguy cơ thoái hoá khớp háng sau này.
Một số phương pháp phẫu thuật hay được dùng hiện nay là:
– Đục xương sửa trục xương đùi (Femoral osteotomy)
– Đục xương chậu (Triple Pelvic osteotomy, Salter osteotomy, Chiari osteotomy…)
– Phẫu thuật tạo mái che cho chỏm xương đùi (shelf containment)
VI. KẾT LUẬN
Bệnh Legg-Calve-Perthes là một bệnh lý tại khớp háng, thường khá hay gặp. Bệnh thường được phát hiện, điều trị ở giai đoạn muộn do triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu. Chỉ định điều trị dựa vào giai đoạn bệnh, kèm theo đó là lứa tuổi, biên độ vận động của khớp háng. Và quan trọng nhất, đây là một bệnh lý cần sự theo dõi với thời gian dài và thăm khám, điều trị tại các cơ sở chuyên khoa về Chỉnh hình Nhi.