Nguyên nhân, điều trị đau đầu kiểu “ice pick”

Đau đầu kiểu “ice pick” có các cơn đau đầu kịch phát như dao đâm bất thình lình. Bài viết chia sẻ nguyên nhân, cách điều trị đau đầu “ice pick” hiệu quả trong lâm sàng.

1. Hội chứng lâm sàng

Là một tập hợp các triệu chứng bao gồm các cơn đau đầu kịch phát như dao đâm bất thình lình, đau nguyên phát khu trú chủ yếu theo chi phối của nhánh đầu tiên (V1) của dây thần kinh sinh ba. Sự kịch phát này có thể biểu hiện bởi một cơn hoặc một chuỗi các cơn đau đột ngột, bất thình lình, kéo dài trong tích tắc, theo sau nó là những giai đoạn hầu như không đau. Các cơn đau đầu kiểu “ice pick” này xảy ra từng đợt không thường xuyên, các cơn cách nhau hàng giờ đến vài ngày.

Giống như đau đầu chuỗi, đau đầu kiểu “ice pick” là một rối loạn từng đợt, biểu hiện bởi một chuỗi các cơn đau đầu dữ dội, giữa các cơn bệnh nhân hầu như hết đau. Các cơn đau kịch phát này thường xảy ra ở cùng một bên, hiếm khi cơn đau chuyển sang chỗ tương tự bên nửa đối diện.

Nguyên nhân, điều trị đau đầu kiểu "ice pick"
Nguyên nhân, điều trị đau đầu kiểu “ice pick”

Đau đầu kiểu “ice pick” thường gặp ở phụ nữa nhiều hơn và hầu như ít xuất hiện trước tuổi 40, một số báo cáo trong tài liệu có ghi nhận một số trường hợp đau đầu kiểu “ice pick” xảy ra ở trẻ em. Thuật ngữ đau đầu kiểu “ice pick” ám chỉ một dạng đau đầu nguyên phát như dao đâm bất thình lình và dữ dội.

2. Dấu hiệu và triệu chứng

Bệnh nhân bị mắc chứng đau đầu kiểu “ice pick” có biểu hiện thành những cơn đau dữ dội, bất thình lình khu trú ở ổ mắt, thái dương hoặc vùng đỉnh. Một vài bệnh nhân mô tả cơn đau của họ giống như bị một cú đập hay tát mạnh bất ngờ vào một bên đầu.

Tương tự như đau dây thần kinh sinh ba, bệnh nhân bị đau đầu kiểu “ice pick” cũng có biểu hiện co thắt cơ không tự chủ ở vùng bị ảnh hưởng bởi cơn đau kịch phát. Nhưng trái với đau nhánh V1 của dây thần kinh sinh ba, không phát hiện được vùng khởi phát nào gây đau đầu kiểu “ice pick” ở bệnh nhân.

Thăm khám thần kinh ở bệnh nhân bị đau đầu kiểu “ice pick” không phát hiện bất thường. Một vài bệnh nhân có biểu hiện lo âu và trầm cảm do cường độ đau đầu dữ dội trong chứng đau đầu kiểu “ice pick” khiến họ nghi ngờ mình bị khối u não.

3. Cận lâm sàng

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ cung cấp nhưng thông tin rõ nhất về vòm sọ và nhu mô não. MRI có độ chính xác cao và giúp phát hiện những bất thường có thể dẫn tới những biến chứng thần kinh thứ phát nghiêm trọng do các nguyên nhân bệnh lý nội sọ à thân não, bao gồm khối u và bệnh lý thần kinh mất myelin.

Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) cũng giúp phát hiện các phình động mạch não là nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện rối loạn thần kinh ở bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân không thể chụp MRI, ví dụ như bệnh nhân đang dùng máy tạo nhịp, có thể lựa chọn chụp CT. Chụp cắt lớp xạ hình xương và chụp X-quang thường quy được chỉ định nếu nghi ngờ gãy hay các bất thường xương, như các bệnh lí di căn, nhằm mục đích chẩn đoán phân biệt.

Các xét nghiệm sàng lọc trong phòng thí nghiệm bao gồm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng hồng cầu và sinh hóa máu tự động nên được thực hiện nếu chẩn đoán đau đầu kiểu “ice pick” còn nhiều nghi vấn. Cần đo nhãn áp nếu nghi ngờ bệnh nhân bị bệnh glaucoma.

4. Chẩn đoán phân biệt

Đau đầu kiểu “ice pick” là một chẩn đoán dựa trên lâm sàng, được hỗ trợ bởi sự kết hợp giữa bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp X-quang và chụp MRI. Các hội chứng đau có thể giống với đau đầu kiểu “ice pick” là đau dây thần sinh ba nhánh V1, bệnh lý mất myelin và chứng đau đầu kịch phát mãn tính.

Đau dây thần kinh sinh ba nhánh V1 thường không phổ biến và được đặc trưng bởi vùng khởi phát và các cử động dạng máy giật (tic). Bệnh lý mất myelin thường đi kèm với các bất thường thần kinh khác gồm viêm dây thần kinh thị giác, các bất thường về cảm giác và vận động. Đau do chứng đau nửa đầu kịch phát mãn tính thường kéo dài lâu hơn so với cơn đau đầu kiểu “ice pick” và đi kèm với triệu chứng đỏ mắt, chảy nước mắt cùng bên.

5. Điều trị

Đau đầu kiểu “ice pick” đáp ứng tốt với điều trị bằng indomethacin. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với indomethacin thì cần đặt dấu hỏi trong chẩn đoán đau đầu kiểu “ice pick”. Điều trị khởi đầu với liều 25mg mỗi ngày trong vòng 2 ngày, sau đó điều chỉnh liều cho tới 25mg, ba lần/ngày. Liều này cũng có thể cẩn thận tăng lên tới 150mg/ngày. Cần sử dụng indomethacin một cách cẩn thận nếu bệnh nhân bị loét dạ dày hay suy thận.

Trong y văn về bệnh đau đầu, đã có báo cáo ghi nhận đáp ứng tối với thuốc ức chế COX-2 đã điều trị bằng chứng đau đầu kiểu “ice pick”. Các rối loạn về giấc ngủ và trầm cảm được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm 3 vòng, chẳng hạn như nortriptyline với liều khởi đầu 25mg trước khi đi ngủ.


6. Biến chứng và những sai lầm thường gặp

Không chẩn đoán chính xác bệnh đau đầu kiểu “ice pick” có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân nếu bỏ sót các bệnh lý thần kinh nội sọ hay bệnh lý mất myelin, các bệnh lí này có biểu hiện lâm sàng giống với đau nửa đầu kịch phát mãn tính. MRI được chỉ định ở tất các các bệnh nhân nghi ngờ bị đau đầu kiểu “ice pick”. Bỏ sót chẩn đoán bệnh glaucoma-một bệnh lý gây đau ở mắt từng hồi-có thể khiến bệnh nhân mất thị lực vĩnh viễn.

7. Kinh nghiệm lâm sàng

Chẩn đoán bệnh đau đầu kiểu “ice pick” được xác định sau một quá trình kiểm tra toàn diện, tập trung vào tiền sử đau đầu. Bệnh nhân bị đau đầu kiểu “ice pick” phải có kết quả thăm khám thần kinh bình thường. Nếu có bất thường trong quá trình thăm khám thần kinh, cần loại bỏ chẩn đoán đau đầu kiểu “ice pick” và cần tiến hành khảo sát cẩn thận các nguyên nhân gây đau đầu bất thường thần kinh ở bệnh nhân.

5 3 đánh giá
Article Rating
Cùng chủ đề: 01. Các hội chứng đau vùng đầu và vùng mặt
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận