1. Tổng quan về đau mạn tính
Đau mạn tính ảnh hưởng đến 10-20% dân số, là nguyên nhân chính gây khuyết tật và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Không chỉ liên quan đến tổn thương sinh học, mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố tâm lý – xã hội như tâm trạng, căng thẳng và môi trường sống.
2. Phân biệt đau cấp tính và đau mạn tính
- Đau cấp tính: Là phản ứng sinh lý bình thường trước một tác nhân có hại (ví dụ: chấn thương, phẫu thuật).
- Đau mạn tính: Kéo dài trên 3 tháng, không còn là dấu hiệu tổn thương mô mà có thể do các yếu tố tâm lý và xã hội duy trì.
3. Các mô hình lý giải về đau
3.1. Lý thuyết cổng kiểm soát đau (Pain Gate Theory):
Lý thuyết cổng kiểm soát đau (PGT) được Melzack và Wall đề xuất vào năm 1965, là một trong những mô hình đầu tiên kết hợp cả yếu tố sinh học và tâm lý để giải thích sự truyền tải cảm giác đau. Dù mô hình này được đơn giản hóa, nó vẫn hữu ích khi giải thích cơn đau cho bệnh nhân.

a. Các loại dây thần kinh cảm giác
Có ba loại dây thần kinh cảm giác chính liên quan đến việc truyền tải kích thích đau:
- Sợi A-β: Đường kính lớn, có myelin, dẫn truyền nhanh các tín hiệu về chạm, áp lực, rung động.
- Sợi A-δ: Đường kính nhỏ, có myelin, dẫn truyền nhanh cảm giác đau do tác nhân cơ học hoặc nhiệt.
- Sợi C: Đường kính nhỏ, không có myelin, dẫn truyền chậm cảm giác đau âm ỉ hoặc nóng rát.
Các sợi thần kinh có đường kính lớn và có myelin sẽ dẫn truyền tín hiệu nhanh hơn. Do đó, sợi A-β dẫn truyền nhanh nhất, tiếp theo là A-δ và cuối cùng là sợi C.
b. Cách hoạt động của cổng kiểm soát đau
Melzack và Wall đề xuất rằng cả sợi cơ học (A-β) và sợi dẫn truyền đau (A-δ, C) đều cùng synapse lên neuron bậc hai tại tủy sống. Tín hiệu nào chiếm ưu thế sẽ quyết định hoạt động của neuron này:
- Khi tín hiệu cơ học (A-β) mạnh hơn → Cổng đóng → Ngăn chặn tín hiệu đau.
- Khi tín hiệu đau (A-δ, C) mạnh hơn → Cổng mở → Cảm giác đau được truyền đến não.
Điều này lý giải tại sao khi bị va đập, việc xoa bóp vùng bị đau có thể giúp giảm đau. Hành động này kích thích sợi A-β, giúp đóng cổng kiểm soát đau.
c. Ảnh hưởng của tâm trạng và nhận thức
Không chỉ có các dây thần kinh cảm giác quyết định trạng thái của “cổng”, mà yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng. Nhận thức và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận cơn đau theo cơ chế “từ trên xuống” (Top-Down), nghĩa là não bộ có thể điều chỉnh cảm giác đau dựa trên trạng thái tinh thần và nhận thức của mỗi người.
Như vậy, lý thuyết cổng kiểm soát đau giúp giải thích cách cơ thể điều chỉnh cảm giác đau và tại sao các phương pháp như chạm, rung động hay yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến mức độ đau mà chúng ta cảm nhận.
3.2. Mô hình sinh học – tâm lý – xã hội (Biopsychosocial Model):
Mô hình sinh – tâm – xã hội cho rằng cảm giác đau là kết quả của sự tương tác giữa yếu tố sinh học, tâm lý (nhận thức, hành vi, cảm xúc) và xã hội (văn hóa, môi trường).
Những nguyên tắc chính về nhận thức lại cơn đau:
- Đau không phản ánh chính xác tình trạng mô – Cơn đau có thể xảy ra mà không có tổn thương thực sự, và mức độ đau không luôn tỉ lệ với mức độ tổn thương.
- Đau bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố – Yếu tố tâm lý (tập trung, kỳ vọng) và xã hội (hoàn cảnh, văn hóa) có thể làm tăng hoặc giảm cảm giác đau.
- Đau kéo dài làm hệ thần kinh trở nên nhạy cảm hơn – Khi đau mãn tính, hệ thần kinh có thể phát triển sự nhạy cảm quá mức, dẫn đến tăng cảm đau hoặc dị cảm đau.
Như vậy, đau không chỉ là một phản ứng sinh học mà còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý và xã hội. Việc thay đổi nhận thức và kiểm soát hành vi có thể giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm đau mãn tính.
4. Cách quản lý đau mạn tính
Các phương pháp hành vi nhận thức đã được chứng minh là hiệu quả nhất trong điều trị đau cơ xương khớp mạn tính kèm theo suy giảm chức năng và rối loạn tâm lý. Thay vì tập trung vào nguyên nhân sinh học, liệu pháp này giúp bệnh nhân kiểm soát và đối phó với cơn đau, từ đó giành lại quyền kiểm soát cuộc sống.
4.1. Giáo dục về đau
- Giải thích về đau và Giáo dục thần kinh về đau (PNE) giúp bệnh nhân hiểu cơ chế sinh học của đau, giảm lo âu và điều chỉnh nhận thức.
- PNE tập trung vào thần kinh học và sinh lý học của đau, cải thiện triệu chứng và khả năng vận động.
4.2. Kích thích thần kinh và não bộ
- TENS: Kích thích dây thần kinh qua da để giảm tín hiệu đau.
- tDCS: Dòng điện một chiều cường độ thấp kích thích não để giảm đau.
- rTMS: Kích thích từ xuyên sọ giúp điều chỉnh hoạt động thần kinh, có hiệu quả cao hơn tDCS.
- Một số phương pháp xâm lấn như kích thích tủy sống, kích thích dây thần kinh sọ.
4.3. Các phương pháp hỗ trợ khác
- Tập thể dục trị liệu: Giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động.
- Thiết bị hỗ trợ: Giảm áp lực lên khớp và cải thiện chức năng tổng thể.
- Liệu pháp thủ công: Có thể hữu ích với đau dai dẳng.
- Huấn luyện thần kinh cơ bằng EMG biofeedback: Hỗ trợ thư giãn cơ và điều chỉnh chức năng vận động.
- Các liệu pháp bổ trợ: Châm cứu, trị liệu hành vi nhận thức (CBT), thực hành kết hợp thân-tâm giúp cải thiện đau và chức năng vận động.
5. Kết luận
Đau mạn tính là một vấn đề phức tạp không chỉ do tổn thương mô mà còn chịu ảnh hưởng từ tâm lý và xã hội. Việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp như thay đổi nhận thức, tăng cường vận động và áp dụng công nghệ kích thích thần kinh.